Header Ads

Header Ads

Nghệ thuật đường Phố tại SÀI GÒN

Cách đây chừng 10 năm, có một dự án có tên Saigon Open City do một nhà đầu tư kinh doanh mỹ thuật lập ra, ở đó, ngoài những cuộc trình diễn, sắp đặt mỹ thuật đương đại dành cho những nghệ sĩ thị giác theo kiểu quen thuộc còn có những dự định mở rộng ra nghệ thuật đường phố. Nhưng vì nhiều lý do tế nhị, dự án ấy đã “giữa đường gãy gánh”.


Khiêu vũ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh Nguyễn Vinh

Nhiều người nếu đã từng là du khách tham quan những sinh hoạt nghệ thuật đường phố ở các trung tâm đô thị lớn tại Nhật Bản, Singapore hay các nước châu Âu khi trở về Sài Gòn đã không khỏi thắc mắc vì sao thành phố này thiếu vắng đời sống nghệ thuật công cộng đến như vậy.

Có lẽ nhà chức trách cũng nhìn thấy phần nào nỗi thao thức và nhu cầu chính đáng đó của những thị dân trẻ, mà không khí sinh hoạt nghệ thuật công cộng ở Sài Gòn gần đây được cởi mở hơn.

Buổi sáng thứ Bảy, Chủ nhật nếu có dịp ghé qua công viên 30-4, bên hông Nhà thờ Đức Bà, có thể thấy những nhóm bạn trẻ mê nhạc tụ tập, hát hò. Những nhóm chơi sáo, guitar, đàn ukulele... nghiệp dư được hình thành từ đây. Cứ đến hẹn cuối tuần, họ lại ngồi quây quần, chia sẻ với nhau đủ thứ chuyện trên đời và cùng chơi với nhau những bản nhạc vui trên thảm cỏ xanh, dưới những tàng cây mát mẻ của công viên trung tâm.

Những không gian công cộng mới được xây dựng trong thành phố cũng trở nên lý tưởng cho các hoạt động trình diễn nghệ thuật đường phố. Hồi đầu tháng 4-2016, bà Quách Thu Nguyệt, một thành viên sáng lập đường sách Nguyễn Văn Bình, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng, các học trò của bà sẽ đến đường sách mỗi sáng thứ Bảy và tối Chủ nhật để chơi nhạc, tạo không khí sống động hơn, để kéo mọi người đến gần hơn với con đường này. Đầu tháng 4 năm nay, trên con đường Nguyễn Văn Bình cũng đã từng có những chương trình đêm nhạc, thời trang và triển lãm áo dài ngoài trời trong dịp giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rất nhiều nỗ lực đang được triển khai để con đường sách thực sự là một không gian cộng hưởng văn hóa.

Nhưng đáng kể nhất là sự đánh thức không gian sinh hoạt cộng đồng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đến con phố trung tâm này vào mỗi tối cuối tuần, là hòa nhập trong không khí của những cuộc trình diễn kéo dài của hàng chục đội, từ break dance, hip hop cho đến xiếc, ảo thuật đường phố, những nhóm nhạc trẻ không chuyên hay khiêu vũ... Tất cả có ở Nguyễn Huệ sau một năm con phố này được vận hành. Trong một tối thứ Bảy giữa tháng này, chúng tôi đếm trên dưới 20 chương trình trình diễn đã được tổ chức một cách ngẫu hứng tại đây.

Người trẻ trình diễn, người trẻ xem, người trẻ ủng hộ. Tất cả bắt nguồn từ nhu cầu về những chỗ chơi, điểm giải trí, nơi giao lưu công cộng mà tự nhiên hình thành trên con phố đi bộ này một hình thái quảng trường đô thị văn minh và khá lý tưởng. Mọi người có thể bộc lộ khả năng của bản thân qua những màn trình diễn và kiếm tìm sự chia sẻ, đồng cảm, kết nối. Khán giả cũng sẵn lòng bỏ vào những chiếc hộp, những chiếc mũ sau màn ảo thuật tài tình những đồng tiền với nụ cười đầy trân trọng. Mọi thứ diễn ra trong lịch sự, dễ chịu, hòa nhã.

Ngoài những không gian trình diễn chuyên nghiệp trong các tụ điểm sinh hoạt nghệ thuật đương đại (như Lễ hội nghệ thuật đường phố tại Station 3A Tôn Đức Thắng, Q.1 vào hồi tháng 2-2016), thì sinh hoạt nghệ thuật đường phố đang thực sự đi vào không gian công cộng, đặc biệt ở khu trung tâm Sài Gòn và rải rác ở những khu dân cư mới như Phú Mỹ Hưng (Q.7), Thảo Điền (Q.2) vào thời điểm mùa lễ hội cuối năm... Đây chính là những tín hiệu làm nên một diện mạo trẻ trung, sinh khí mạnh mẽ và cởi mở của một đô thị dân số trẻ chiếm đa số.

Mới chỉ một năm mà đã thành quen, mỗi cuối tuần ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, rất nhiều phụ huynh đã đưa con cái đến hóng mát, đi dạo, ăn uống, thưởng thức những chương trình nghệ thuật cộng đồng. Những hành vi ứng xử văn minh nơi công cộng, tin rằng, rồi cũng sẽ dần dần tự điều chỉnh khi những thị dân nhỏ tuổi được lớn lên trong một điều kiện sinh hoạt cởi mở, ở đó, họ luôn có cảm giác thân thuộc, độc lập và thực sự làm chủ.